So với thẻ BHYT hiện hành, mẫu thẻ BHYT mới có nhiều thay đổi theo hướng mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH.
Kích thước nhỏ gọn, mã số chỉ gồm 10 ký tự
Với kích thước nhỏ gọn, thẻ BHYT mới rất thuận tiện khi cất giữ, bảo quản, hạn chế các trường hợp bị mất, hỏng thẻ; chất liệu giấy bền, thẻ được ép plastic sau khi in giúp tăng độ cứng của thẻ, đáp ứng yêu cầu bảo quản lâu dài, giúp người tham gia giảm được thời gian làm thủ tục đổi thẻ hỏng, tiết kiệm chi phí liên hệ và đi lại làm thủ tục tại cơ quan BHXH.
Mã số thẻ BHYT mới là 10 ký tự mã số BHXH của người tham gia (thay thế 15 ký tự mã số thẻ BHYT như hiện nay) nhằm mục đích giảm bớt số lượng ký tự người tham gia cần khai báo khi tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc khai báo khi làm thủ tục đề nghị tiếp tục tham gia BHYT; cấp lại, đổi thẻ; kiểm tra chi phí KCB BHYT được hưởng trên Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam.
Mặt sau của thẻ BHYT mới ghi rõ những điều cần chú ý đối với người tham gia BHYT như: cung cấp địa chỉ đăng ký giao dịch để tiếp tục tham gia BHYT, cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT, kiểm tra chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT được hưởng cũng như hướng dẫn người tham gia cách tra cứu thông tin thẻ BHYT…
Thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng tiếp tục được dùng để KCB BHYT
Trong thời gian chờ đổi thẻ BHYT theo quy định tại Quyết định 1666/QĐ-BHXH, thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia BHYT còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Thông tin về bộ mã số thẻ BHYT cùng với địa chỉ (nơi cư trú hoặc nơi làm việc) và thời gian được miễn cùng chi trả trong phạm vi quyền lợi BHYT khi đi KCB đúng tuyến của người tham gia được cập nhật trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT và Cổng thông tin BHXH Việt Nam.
Quyết định 1666/QĐ-BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2021 thay thế Quyết định số 1313/QĐ-BHXH ngày 02/12/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành mẫu thẻ BHYT./.
Tác giả bài viết: Hồ Tú